Liên hệ

Mục lục

    Chia sẻ:

    Trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành xu thế tất yếu, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến mô hình kinh tế tuần hoàn và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Tại Hội nghị Phát triển Bền vững 2025 do Forbes Việt Nam tổ chức, nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đã cùng thảo luận về cơ hội, thách thức cũng như các giải pháp giúp doanh nghiệp thích ứng với EPR, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

    Tham dự chương trình có ông Phạm Hồng Điệp (Chủ tịch HĐQT Shinec), bà Nguyễn Thị Diệu Hồng (Giám đốc điều hành PRO Vietnam), ông Nguyễn Thành Trung (Giám đốc điều hành GreenHub) và ông Trần Văn Thịnh (Tổng giám đốc VietCycle). Các diễn giả đã cùng chia sẻ góc nhìn thực tiễn về việc áp dụng EPR và xây dựng mô hình sản xuất tuần hoàn tại Việt Nam.

    Các diễn giả thảo luận sôi nổi về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Ảnh: Forbes Viet Nam)

    Theo lộ trình mới, từ năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử sẽ bắt buộc thực hiện nghĩa vụ thu hồi và tái chế sản phẩm sau tiêu dùng. Đến năm 2027, quy định sẽ mở rộng thêm đối với các ngành ô tô, xe máy và nhiều lĩnh vực khác. Đây được xem là bước chuyển dịch quan trọng, thúc đẩy doanh nghiệp thay đổi cách tiếp cận từ "quản lý chất thải" sang "quản trị tài nguyên", đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp tái chế trong nước.

    Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã lần đầu tiên khẳng định quan điểm: rác thải là tài nguyên quốc gia. EPR đóng vai trò là công cụ quan trọng để hiện thực hóa tư duy tiến bộ này, góp phần giảm lượng chất thải ra môi trường và nâng cao giá trị sử dụng của sản phẩm.

    Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Hồng Điệp nhấn mạnh vai trò tiên phong của khu công nghiệp Nam Cầu Kiền – dự án do Shinec phát triển – trong việc vận hành mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn. Hiện tại, Nam Cầu Kiền đang triển khai ba chuỗi kinh tế tuần hoàn cho ngành thép, nhựa và điện - điện tử. Đây là hệ giá trị cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng rõ rệt, tối ưu hóa tài nguyên và đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương.

    Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec (Ảnh: Forbes Viet Nam)

    Ông cũng nhận định việc Chính phủ công bố áp dụng EPR là một định hướng đúng đắn, mở ra cơ hội lớn cho các nhà phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam. Với nền tảng pháp lý và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, Shinec cam kết tiếp tục đẩy mạnh mô hình sản xuất tuần hoàn, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững cho tương lai.

    Nguồn: forbes.vn

    Đăng bởi: admin_okhub